Recent Posts

header ads

Lễ hội Bàn Vương hút khách đến với mùa vàng ruộng bậc thang

Mỗi mùa Thu về, khi những thửa ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì nhuốm màu no đủ cũng là lúc đồng bào dân tộc Dao trong vùng tổ chức Lễ hội Bàn Vương để tưởng nhớ Tổ tiên của mình. Lễ hội được phục dựng và tổ chức hàng năm tại các địa phương có người Dao sinh sống tập trung nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn với Sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay; đồng thời cầu nguyện Sư tổ phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc.
 
Lễ hội Bàn Vương hút khách đến với mùa vàng ruộng bậc thang
Một trong những nghi thức Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao tại xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì).


Tương truyền trong tất cả các ngành Dao đều có một điểm chung trong tín ngưỡng là tục thờ cúng Bàn Vương. Bàn Vương còn gọi là Bàn Hồ, tức là con "Long khuyển" mình dài ba thước, lông đen, vằn vàng, từ trên trời giáng xuống trần và được vua Bình Hoàng yêu quý. Một hôm, nhận được chiến thư của Cao Vương, trong khi chưa tìm ra phương cách giao chiến thì Bàn Vương xin được đi giết Cao Vương. Bàn Vương giết được Cao Vương và được vua Bình Hoàng gả cho cung nữ về Cối Kê sinh sống và sinh được 6 người con trai và 6 người con gái. Vua Bình Hoàng ban sắc cho con cháu Bàn Vương thành 12 họ: Bàn, Phàn, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu và Bình Hoàng cấp Quá sơn bảng văn để họ phân tán đi sinh sống ở các nơi. Vì vậy các nhóm người Dao dù ở bất cứ nơi đâu đều có chung một nguồn gốc lịch sử và nhận Bàn Vương là ông tổ của mình. Hàng năm, các dòng họ người Dao của huyện Hoàng Su Phì, trong đó có xã Hồ Thầu thường tổ chức cúng Bàn Vương, nhất là khi xảy ra mất mùa, thiên tai, bệnh dịch...
Với vốn kiến thức lớn về tục cúng Bàn Vương, ông Triệu Chòi Hín, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Hồ Thầu cho biết, Lễ cúng Bàn Vương phổ biến ở 3 kiểu, gồm: Thứ nhất là lễ lớn, còn gọi là "Tồm Đàng" do người Dao trong một xã cùng đứng ra mổ trâu, lợn tổ chức như một lễ hội; thời gian tổ chức kéo dài vài ngày gồm cả lễ và hội, thường diễn ra vào cuối năm; đàn cúng tế được lập bằng sàn tre, gỗ, trên đàn tế trang trí giấy nhiều màu, tranh thờ cúng, vải, nhiều đồ vật trang trí kết từ tre nứa, những lễ vật từ nông nghiệp như: Lợn, gà, trâu bò, thóc lúa... ở nơi trung tâm làng, bản do các thầy cúng lựa chọn. Thứ hai là "Đàng Ton", nghĩa là nghi lễ nhỏ được tổ chức trong quy mô dòng họ; thông thường, nếu có gia đình nào trong dòng họ nuôi được con lợn nái đẻ ra chỉ một con lợn đực thì họ coi đó là con lợn của Bàn Vương nên phải chăm sóc đặc biệt, đến cuối năm sẽ mổ để cúng dâng cho Bàn Vương; ngoài ra, lễ này được tổ chức đối với các dòng họ coi Bàn Vương là ông tổ của mình và tự tập hợp nhau lại tổ chức cúng tế theo truyền thống của các dòng họ; vì là nghi lễ nhỏ nên thời gian diễn ra cũng ngắn hơn và sau phần cúng tế tạ ơn của thầy mo, người trong các họ thường chỉ hát 2 - 4 bài. Một nguyên nhân khác cũng được người Dao tổ chức cúng Bàn Vương, đó là khi gia đình gặp điều không may, như: Ốm đau, dịch bệnh, mất mùa... thì tổ chức cúng Bàn Vương theo kiểu giải hạn, song hình thức này không nhiều. Kiểu thứ 3 là cúng tế Bàn Vương trong từng gia đình. Nghi lễ này được tiến hành kết hợp trong các lễ cúng khác của gia đình như Lễ Cấp sắc, Lễ cúng Cơm mới, cúng vía lúa, làm chay… Phần thực hiện nghi lễ không phải mời thầy cúng vì người đàn ông chủ nhà hầu như đều đã được làm Lễ Cấp sắc nên họ đủ khả năng thực hiện các nghi lễ trong quy mô gia đình…
Với quan niệm và cách thức tổ chức cho thấy: Lễ cúng Bàn Vương mang đậm tính nhân văn. Nó hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội tổ tiên linh thiêng, đầy sức mạnh bảo vệ cuộc sống. Đồng thời, nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản tạo nên sức mạnh để tồn tại và phát triển. Theo đó, đây cũng là một lễ hội mang tính công đồng rất cao. Sau khi cúng tế, các nghệ nhân đã trình diễn điệu múa "Bắt rùa", điệu múa phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao. Với âm thanh sôi sộng của các loại nhạc cụ và động tác múa uyển chuyển, điệu múa tái hiện lại hoạt động sản xuất, sinh hoạt từ thời xa xưa của cộng đồng người Dao. Kết thúc nghi lễ cúng Bàn Vương, du khách được trải nghiệm trò chơi "Vật chày", mang màu sắc huyền bí nhưng cũng đem lại kịch tính và nhiều tiếng cười cho khán giả.
Chị Lê Thị Minh Loan, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết cảm xúc sau khi trải nghiệm Lễ cúng Bàn Vương: "… Tôi đã được đi rất nhiều nơi và trải nghiệm rất nhiều lễ hội, nhưng đến với Lễ hội Bàn Vương lại cho tôi những trải nghiệm khác hẳn so với trước đây. Dù là lễ hội của dân tộc Dao, nhưng nhờ Ban tổ chức làm tốt công tác chuẩn bị, có thuyết minh đầy đủ nên tôi hiểu nội dung mà lễ hội truyền tải tới người xem. Đây là lần thứ 4 tôi quay lại Hoàng Su Phì, nhưng cũng là lần ấn tượng nhất; để lại nhiều cảm xúc nhất và nếu địa phương tiếp tục xây dựng và duy trì được lễ hội này cùng những lễ hội đặc sắc khác của các dân tộc trên địa bàn… đoàn chúng tôi sẽ còn quay lại thêm nhiều lần nữa…".
Trình diễn Lễ hội Bàn Vương nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa du lịch "Qua miền di sản Ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì năm 2018, là một trong những hoạt động văn hóa tiêu biểu thu hút khách du lịch đến với huyện. Qua hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn mà còn là dịp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiềm năng về văn hóa, du lịch của huyện tới du khách trong, ngoài nước đến với Hoàng Su Phì nhiều hơn trong tương lai.




Đăng nhận xét

0 Nhận xét