Recent Posts

header ads

Khám Phá Chợ Phong Lưu Sơn Vĩ - Chợ Phiên Biên Giới Hà Giang





Mèo Vạc lâu nay nổi tiếng với “Chợ tình Khau Vai”- phiên chợ của những mối tình trắc trở tìm về bên nhau vào duy nhất một ngày 27.3 âm lịch. Thế nhưng, ít ai biết đến mảnh đất biên cương xa xôi còn có một phiên chợ “độc nhất vô nhị”, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân trên miền Cao nguyên đá. Nơi đây, vẫn còn nét nguyên sơ của một phiên chợ đậm chất “tình” - chợ “Phong lưu” Sơn Vĩ.

Chợ “Phong lưu” họp tại trung tâm xã Sơn Vĩ với các gian hàng bày bán trang phục dân tộc cùng một số sản phẩm địa phương. Bên những ngôi nhà đã ngả màu rêu phong, chắc hẳn ai cũng có cảm giác khác lạ khi ngồi bên nồi thắng cố nhấm nháp chút rượu ngô men lá, món ăn truyền thống của người dân nơi đây. Năm nay, địa phương lần đầu tiên quảng bá, giới thiệu đến du khách thập phương phiên chợ độc đáo này. Có lẽ sự cuốn hút và hấp dẫn của phiên chợ đến từ sự khác lạ, không giống với bất cứ phiên chợ thường nhật khác. Ở đây, du khách có dịp chứng kiến những nét văn hóa độc đáo của người Mông, Xuồng, Nùng, Tày, Giấy. Đặc biệt, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc với người dân Trung Quốc đến tham gia phiên chợ. Nếu “Chợ tình Khau Vai” hình thành từ câu chuyện tình huyền thoại, đầy nhân văn lay động lòng người thì chợ “Phong lưu” Sơn Vĩ cũng vậy. Phải chăng do địa hình ngăn sông cách núi nên các dân tộc Xuồng, Nùng, Tày, Giấy cùng sống trên một dải đất cũng có một phiên chợ như vậy?! Bởi phiên chợ này được tổ chức để người dân mua bán, trao đổi hàng hóa và để cho những người đã có vợ hoặc có chồng đi chợ tìm gặp lại người yêu cũ, người bạn mình thích, mình yêu ngày trước mà không lấy được nhau. Chỉ trong một ngày, họ dẫn nhau đi chơi chợ, mời nhau ăn uống, kể cho nhau nghe về cuộc sống gia đình. Đến khi tan chợ, họ lại chia tay nhau để về với gia đình và cầu mong cho người mình yêu hạnh phúc. Đối với các chàng trai, cô gái còn trẻ, chưa lập gia đình, phiên chợ trở thành nơi hò hẹn, tìm hiểu nhau. Có những đôi đã nên vợ nên chồng từ phiên chợ “Phong lưu” Sơn Vĩ.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét